vietnamese Tiếng Việt english English Site-map
Hôm nay:
Mới cập nhật:

98 hay 63 cụm thi THPT quốc gia 2016

loading...

- Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2016, đại diện các sở GD-ĐT đề xuất thay đổi ngày thi, cụm thi, điểm ưu tiên cũng như việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.



Sáng 16-12, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 sở GD-ĐT về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì hội nghị. Theo ông Hiển, trước hội nghị này, bộ đã tổ chức ba hội nghị với các trường ĐH, CĐ. Các trường cho rằng kỳ thi THPT quốc gia 2015 được tổ chức thành công, gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội, kết quả khách quan và tin cậy, được nhiều trường ĐH sử dụng để xét tuyển.
Ông Hiển cho rằng kỳ thi THPT quốc gia 2015 được xã hội đánh giá thành công, tuy vậy cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Nhiều ý kiến, đề xuất thay đổi về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016 được hoàn thiện hơn. Có ý kiến đề xuất mỗi địa phương tổ chức một cụm thi do trường ĐH chủ trì, bỏ cụm thi địa phương do sở GD-ĐT chủ trì.
Giàu ở lại, 
nghèo phải đi xa?
Ông Nguyễn Tiến Đạt - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho rằng số lượng ngày thi nên bốn ngày để đảm bảo cơ hội dự thi cho thí sinh. Về cụm thi, ngoài những nơi khó khăn như khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, vùng sâu vùng xa tổ chức cụm địa phương, các nơi còn lại chỉ nên tổ chức cụm liên tỉnh do trường ĐH chủ trì để giảm tốn kém, không khó khăn lắm cho sự di chuyển của thí sinh.
Dù không phát biểu nhưng trao đổi với chúng tôi bên lề hội nghị, đại diện một sở GD-ĐT khu vực phía Nam cho rằng việc tổ chức hai loại cụm thi như năm 2015 rất bất hợp lý vừa chưa công bằng với thí sinh. Điều này dẫn đến nghịch lý giàu ở lại - nghèo phải đi xa.
Thí sinh có điều kiện ở các thành phố, tỉnh lỵ không phải di chuyển nhiều, trong khi học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa lại phải di chuyển rất xa về thành phố để dự thi, chi phí ăn ở đi lại trong mấy ngày thi không hề nhỏ.
“Tôi nghĩ nên tổ chức ở mỗi tỉnh một cụm thi do trường ĐH chủ trì. Năm 2015, cả nước có 38 cụm thi liên tỉnh và 60 cụm địa phương (có ba tỉnh, thành phố không tổ chức cụm địa phương là TP.HCM, Bình Dương và Đà Nẵng), tổng cộng cả nước có 98 cụm thi. Nếu tổ chức mỗi tỉnh một cụm thi do trường ĐH chủ trì, cả nước chỉ có 63 cụm thi. Các trường ĐH sẽ đưa giảng viên, cán bộ của mình về các tỉnh, sẽ tốn kém hơn nhưng rõ ràng sẽ ít hơn nhiều chi phí mà hàng trăm ngàn thí sinh, phụ huynh phải bỏ ra để di chuyển về tỉnh, thành khác để dự thi. Việc này sẽ tiết kiệm cho xã hội nhiều hơn và công bằng với thí sinh hơn” - đại diện sở GD-ĐT này cho biết.
Trong khi đó, hầu hết đại biểu đều cho rằng cần duy trì hai loại cụm thi như năm 2015. Nhưng cho rằng mỗi cụm thi địa phương đều chỉ có ba cán bộ của trường ĐH làm nhiệm vụ giám sát là quá ít và không hiệu quả, phải tăng số lượng cán bộ ĐH làm công tác coi thi và giám sát ở các cụm thi địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Độ - giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - đề nghị tiếp tục tổ chức cụm thi do địa phương chủ trì để tạo thuận lợi cho người học bên cạnh cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì. Tuy vậy ông Độ cũng đề xuất nên tăng cường giảng viên, cán bộ các trường ĐH tham gia cụm thi do địa phương chủ trì, bởi năm 2015 số lượng này quá ít và chủ yếu làm nhiệm vụ giám sát.
Dù đồng ý với việc tổ chức hai loại cụm thi nhưng nhiều đại biểu cũng đề xuất cần có sự linh hoạt nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh vùng giáp ranh.
Bà Trần Hồng Thắm - giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ - cho rằng nên tiếp tục tổ chức cụm thi địa phương, tuy nhiên đề nghị tăng thêm một cụm thi do Trường ĐH Kiên Giang chủ trì dành cho học sinh Kiên Giang, huyện Phú Quốc và huyện giáp ranh của Cà Mau. Đối với địa bàn giáp ranh, đề nghị bộ cho phép sở và các trường ĐH linh hoạt cho thí sinh đăng ký theo nguyện vọng của thí sinh.
Nên thi THPT quốc gia vào giữa tháng 6
Liên quan đến thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016, nhiều ý kiến đề xuất thời điểm thi vào đầu hoặc giữa tháng 6 nhằm thuận lợi cho công tác tổ chức, xét tuyển.
Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh đề xuất tổ chức thi THPT quốc gia 2016 vào đầu tháng 6, lúc đó kiến thức còn nóng hổi, hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm trong khoảng thời gian nghỉ chờ thi như năm 2015. Bà này cho rằng nên nghiên cứu cho phép học sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng cùng một ngành ở các trường khác nhau tạo tâm huyết cho học sinh ngay từ đầu.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Hà - giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa - đề nghị đề thi cần phải phân hóa rõ hơn. Năm 2015 phổ điểm rất đẹp nhưng việc xét tuyển ĐH khó khăn hơn do thí sinh điểm cao khá nhiều và bằng điểm nhau.
Đại diện Sở GD-ĐT Đồng Nai đề xuất thời gian thi nên tổ chức vào giữa tháng 6, số ngày thi bốn ngày. Tuy nhiên nên cho học sinh đăng ký nguyện vọng 1 ngay từ đầu. Học sinh đã định hướng nghề nghiệp từ lâu, nếu không cho chọn ngay từ đầu các em sẽ hoang mang và không đạt được mục đích hướng nghiệp như chúng ta mong muốn.
Cũng tại hội nghị, rất nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT hoàn thiện phần mềm quản lý thi cũng như tăng quyền cho các sở, hạn chế những khó khăn gặp phải trong năm 2015. Đại diện Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng phần mềm thi nên hoàn thiện sớm, dữ liệu thi nên phân quyền cho các sở nhiều hơn. Năm 2015, các sở rất khó khăn để khai thác dữ liệu này do được cấp quyền rất hạn chế. Ông này cũng đề xuất sử dụng thang điểm 20 cho kỳ thi THPT quốc gia.
Ông Lê Trung Chinh - giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng - cũng kiến nghị cấp quyền nhiều hơn cho các sở để địa phương sử dụng kết quả này xét tốt nghiệp và làm các công tác chuyên môn. Ông cũng đề nghị xem xét điều chỉnh thời gian xét tuyển, đặc biệt vào các ngành công an. Năm 2015, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường công an không được rút ra, điều này không công bằng với thí sinh. Các trường công an làm được thì các trường bộ, ngành khác cũng làm. Nếu làm vậy cần phải công bố chủ trương sớm để thí sinh biết.
Tuổi trẻ
Thí sinh vùng giáp ranh sẽ được chọn cụm thi
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng đa số ý kiến thống nhất vẫn tổ chức hai loại cụm thi. Tuy nhiên năm 2016 cần tăng cường sự tham gia của các trường ĐH và cán bộ, giáo viên trường ĐH phải làm công tác coi thi và chấm thi để kết quả ở cụm địa phương có tính khách quan cao hơn.
Đối với ý kiến tổ chức cụm thi tại địa phương do ĐH chủ trì mà không tổ chức cụm thi do địa phương chủ trì, thập niên 1970 chúng ta đã tổ chức thi hình thức này. Nếu tổ chức cách này thì phải huy động các giảng viên ĐH về các tỉnh, huyện và như vậy tính nghiêm túc không cao.
Ông Hiển cũng cho biết sẽ nghiên cứu thêm về điểm ưu tiên. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng điểm ưu tiên hiện nay lớn, cao nhất lên đến 3,5 điểm trong khi số câu hỏi phân hóa chỉ 5 điểm nên điểm ưu tiên 3,5 điểm là không phù hợp.
Tuy nhiên cũng có ý kiến không thay đổi, ảnh hưởng đến thí sinh diện chính sách, vùng sâu vùng xa. Đối với ngày thi, các sở đề nghị vào đầu tháng 6 nhưng vì còn phối hợp ĐH nữa nên cần phải tham khảo thêm các trường ĐH. Nhất trí cụm thi do ĐH chủ trì phải có thí sinh hai tỉnh nhưng vùng giáp ranh sẽ linh hoạt.