Friday 4 March 2016

Thi trung học phổ thông quốc gia 2016: Lại nỗi lo “vỡ trận”

Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia và dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 vừa được Bộ GDĐT công bố để lấy ý kiến đã cho thấy một số điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh (TS). 2016 là năm thứ hai Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia “hai trong một”, vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Tuy nhiên, những điều chỉnh này vẫn gặp phải nhiều băn khoăn, lo lắng bởi những chủ trương ban hành mang tính chung chung, tiềm ẩn nguy cơ “vỡ trận”.
Khả năng hồ sơ ảo tăng cao
Nếu như năm ngoái, trong đợt 1 xét tuyển, TS chỉ được nộp vào 1 trường cho 4 ngành và được quyền rút hồ sơ khi thấy lựa chọn không an toàn, thì với dự thảo mới, đợt 1, TS được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) tối đa vào 2 trường, trong đó mỗi trường không quá 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng. Lý giải sự thay đổi này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho rằng Bộ GDĐT có những thay đổi về cách thức ĐKXT sẽ giúp khắc phục bất cập trong mùa tuyển sinh 2015, đảm bảo các TS được chọn ngành học theo sở thích, thay vì chọn cách vào bằng được ĐH, bỏ qua ngành học mình yêu thích. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, cách làm này sẽ tăng thêm gánh nặng cho các trường do xác suất hồ sơ ảo tăng lên rất lớn.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT quy định đợt xét tuyển thứ nhất là 12 ngày, nhưng không quy định bao nhiêu đợt xét tuyển bổ sung, chỉ quy định mỗi đợt xét bổ sung tối đa 10 ngày. Bắt đầu đợt xét tuyển đầu tiên từ ngày 1.8, hạn cuối cùng của đợt xét tuyển cuối đến hết ngày 20.10 đối với hệ ĐH, như vậy sẽ có khoảng tổng cộng 6 đợt xét tuyển, với 40 nguyện vọng khác nhau. “Điều này chắc gì đã rút ngắn hơn so với năm ngoái”, một lãnh đạo Trường ĐH Hòa Bình nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Văn Bao - Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc - đặt thêm giả thuyết, mỗi TS được đăng ký 2 trường với 4 nguyện vọng, sẽ xảy ra tình trạng một TS có thể đỗ 4 nguyện vọng, xác suất hồ sơ ảo tăng lên rất lớn.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN 
Nhận định về hồ sơ ảo tăng, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GDĐT cho rằng: “Tính đến thời điểm hiện tại chưa có một phương án tuyển sinh nào thỏa mãn tất cả các thông số. Bộ GDĐT cũng đã nhận diện về khả năng hồ sơ ảo sẽ tăng lên. Tuy nhiên, khi kết thúc đợt 1 của kỳ tuyển sinh, các trường ĐH về cơ bản đã tuyển được gần đủ chỉ tiêu. Các đợt xét tuyển bổ sung, số lượng TS xét tuyển không nhiều, do đó, số lượng hồ sơ ảo sẽ được các trường giải quyết trên tổng số thí sinh tham gia ĐKXT ở các đợt bổ sung (số này ít hơn nhiều so với đợt xét tuyển đầu tiên). Vì vậy, các trường đại học, cao đẳng có thể xử lý được.

PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT - cũng cho rằng để có thể giảm thiểu lượng hồ sơ ảo này, các trường cần liên kết chia sẻ các thông tin của TS nộp hồ sơ ĐKXT vào trường. Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, việc này không phải quá khó để thực hiện, ông Nhĩ cho hay.

Nguy cơ “vỡ trận” có thể lặp lại

Còn PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - nhận định: Với dự thảo mới này, TS có lợi khi được chọn ngành mình yêu thích ở nhiều trường hơn. Nhưng bộ rút ngắn thời gian xét tuyển còn 12 ngày, chỉ nhận hồ sơ qua đường bưu điện và đăng ký trực tuyến, không nhận trực tiếp tại trường và khống chế không cho rút hồ sơ khi đã nộp vào các trường, cũng sẽ phát sinh tình trạng TS cố thủ, theo dõi diễn biến xếp hạng và nộp hồ sơ vào phút chót. Lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở khi năm 2015, nhiều trường rơi vào tình trạng lúng túng, “trở tay không kịp” khi TS ồ ạt rút-nộp hồ sơ quá nhiều một cách đột ngột, dẫn đến tình trạng “vỡ trận” như chơi chứng khoán.

Mặt khác, năm nay, nhằm giảm áp lực cho TS, Bộ GDĐT đưa ra quy định các đơn vị chủ trì cụm thi được quyền công bố kết quả thi. Điều này sẽ giúp TS và người nhà tra cứu kết quả thi một cách nhanh chóng, không phải chờ đợi nhiều do có quá nhiều người truy cập tập trung vào một số máy chủ của Bộ GDĐT và các đơn vị được ủy quyền gây nên tình trạng nghẽn mạng như năm 2015. Tuy nhiên, điều này vẫn khó có thể lường trước được tình trạng tắc nghẽn mạng Internet nếu các đơn vị chủ trì không được trang bị đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ nhu cầu truy cập.

Xem thống kê điểm chuẩn lớp 10 5 năm liền

No comments:

Post a Comment