Sunday 21 February 2016

Quy chế tuyển sinh ĐH 2016 sẽ "chặn" bi kịch thí sinh từ đỗ thành trượt


Một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 do Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành là điều chỉnh một số đối tượng ưu tiên theo hướng phù hợp hơn với các quy định hiện hành, hạn chế bớt những sự cố đáng tiếc như đã từng xảy ra trong mùa tuyển sinh năm 2015, đó là việc nhiều thí sinh từ đỗ thành trượt do nhầm lẫn, khai sai khu vực ưu tiên. 
 
Quy định chặt chẽ hơn về các đối tượng được hưởng ưu tiên
Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, Bộ GD&ĐT dự kiến sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến nơi học và tốt nghiệp THPT như sau: “Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong ba năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào hưởng ưu tiên theo khu vực đó.Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả những em đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh”.
Nhiều thí sinh xét tuyển ĐH năm 2015 đang từ đỗ thành trượt một cách cay đắng.
Cũng liên quan đến quy định về điểm ưu tiên khu vực, đối với các trường hợp được hưởng điểm ưu tiên khu vực 1 theo hộ khẩu thường trú, dự thảo cũng đưa ra quy định mới, cụ thể như sau: “Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại các xã khu vực 3 và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quyết định của Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của chương trình 135 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nếu học THPT tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên”.
Với thay đổi này, nhóm ưu tiên được cộng điểm cao là khu vực 1 sẽ giảm đáng kể so với trước. Những thí sinh thực sự ở vùng khó khăn mới được hưởng chế độ.
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, Bộ GD&ĐT đã không điều chỉnh giảm điểm ưu tiên như đề xuất trên của nhiều người. (ảnh minh họa).
Một điều chỉnh đáng chý ý khác là trong dự thảo, Bộ GD&ĐT cũng quy định rõ KV2 gồm các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1). Nguyên nhân của sự điều chỉnh này là do trong mùa tuyển sinh năm 2015, nhiều nhà trường và thí sinh đã hiểu không đúng về điều 7, khoản 4, mục c.
Theo đó, một số địa phương cho rằng thị xã của thành phố trực thuộc trung ương là KV2, còn thị xã trực thuộc tỉnh lại thuộc KV2 - nông thôn khiến nhiều thí sinh từ “đỗ” thành “trượt” do bị hướng dẫn khai sai KV ưu tiên.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT quy định cụ thể về việc thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không bảo đảm các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.
Không giảm điểm ưu tiên để đảm bảo công bằng?
Ngay sau khi kết thúc tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên tính toán đặt ra mức điểm ưu tiên tối đa cho phù hợp. Bởi trong năm 2015, có học sinh được cộng 5 - 6,5 điểm vì vừa là học sinh miền núi, dân tộc lại đạt học sinh giỏi quốc gia khiến nhiều thí sinh dù có điểm thi cao nhưng vẫn bị “đánh bật” ra ngoài danh sách trúng tuyển bởi các thí sinh có điểm thi thấp nhưng lại được hưởng điểm ưu tiên “khủng”.
Tuy nhiên, trong dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, Bộ GD&ĐT đã không điều chỉnh giảm điểm ưu tiên như đề xuất trên của nhiều người.
Lý giải về việc không giảm điểm ưu tiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Cục Khảo thí thống kê kết quả thí sinh đạt trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2015 diện ưu tiên và diện không ưu tiên. Kết quả cho thấy tỉ lệ thí sinh vùng khó khăn, thí sinh là dân tộc thiểu số đạt trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào so với thí sinh các vùng khác cũng tương đương với những năm tuyển sinh 3 chung.
Quy chế xét tuyển ĐH năm 2016 quy định cụ thể và siết chặt hơn các đối tượng được ưu tiên. (Ảnh minh họa).
Nếu giảm mức chênh lệch điểm ưu tiên theo đề nghị của một số ý kiến (giảm 50% mức chênh lệch điểm ưu tiên) thì tỉ lệ thí sinh vùng khó khăn, thí sinh là người dân tộc thiểu số trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ thấp đi đáng kể. Bộ cũng đã đưa vấn đề này ra thảo luận ở các cuộc họp với các trường ĐH, CĐ và tham khảo ý kiến của Ủy Ban Dân tộc.
Phần lớn ý kiến cho rằng nên duy trì mức điểm ưu tiên như năm 2015 nhưng thu hẹp bớt diện ưu tiên cao, cụ thể là các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên 1, đối tượng được hưởng ưu tiên theo hộ khẩu khu vực 1.
Với cách làm đó, qui chế năm nay sẽ thu hẹp dần diện được hưởng ưu tiên cao nhưng những đối tượng thí sinh vùng còn khó khăn, con em dân tộc vẫn cần được duy trì mức chênh lệch điểm ưu tiên như những năm trước để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.
PGS Văn Như Cương-Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm:
Việc cộng điểm ưu tiên là chính sách hợp lý. Học sinh miền núi có môi trường sống, học tập còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo viên cũng hạn chế. Về kiến thức, học sinh miền núi không được đi học thêm, không được bồi dưỡng thường xuyên như học sinh thành phố. Vì vậy, việc áp dụng điểm ưu tiên đúng cả lý và tình.Tuy nhiên, để điểm ưu tiên thực sự có hiệu quả và công bằng, PGS Văn Như Cương đề xuất, điểm cộng ưu tiên cho mỗi thí sinh không nên quá 3 điểm trên tổng điểm xét tuyển đối đa là 30 cho một khối thi. Mặt khác, ưu tiên cũng không có nghĩa là chỉ cộng điểm mà có thể là mở rộng mô hình học bổ túc, dự bị để cho những học sinh miền núi chưa đủ trình độ vào ĐH có nhiều cơ hội hơn.                    
Huyền Thanh

No comments:

Post a Comment